Thời điểm này có nên mua nhà đất?

Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nói: Nếu có nhu cầu chỗ ở thực sự thì đây là thời điểm nên mua. Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận thị trường nhà đất sẽ còn trầm lắng trong một thời gian nữa.

Bất động sản cao cấp, biệt thự ở Hà Nội đang khó bán Ảnh: NQ.

Qua khảo sát, ông đánh giá thế nào về thị trường bất động sản hiện nay?

Phân khúc căn hộ chung cư cao cấp, đất biệt thự là những phân khúc chủ yếu bị chững lại trên thị trường. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm thị trường chưa rơi vào tình trạng trầm lắng thì giao dịch của các căn hộ chung cư cao cấp đã không nhiều. Tình hình của chung cư cao cấp là sự khởi đầu cho những ảnh hưởng tiếp theo đối với những sản phẩm bất động sản khác.

Tiếp sau đó, với chính sách thắt chặt tín dụng của nhà nước để góp phần chống lạm phát, các dự án bất động sản chủ yếu dựa vào đi vay vốn đều bị ảnh hưởng. Khi bị ảnh hưởng như vậy, chủ đầu tư phải tìm mọi cách giảm giá, cắt lỗ lấy tiền trả ngân hàng. Hà Nội bị tác động chậm hơn Tp.HCM. Tình trạng trầm lắng của thị trường ở Tp.HCM từ hơn một năm nay rồi, còn Hà Nội mới chính thức từ vài tháng trở lại đây.

Số lượng dự án thuộc diện phải đi vay như ông nói có nhiều không?

Rất khó đoán nhưng chỉ biết là nhiều dự án, thậm chí có những dự án thực tế chủ đầu tư có tiền nhưng vẫn đi vay.

Những thương vụ mua bán chung cư giá chênh rất lớn kiểu như tại sàn UDIC vừa qua có phải là một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản liên tục bị đẩy lên mặt bằng quá cao suốt một thời gian dài?

Có thể, đặc biệt là với căn hộ chung cư. Theo quy định thì các sàn bất động sản chỉ được bán theo giá gốc mà chủ đầu tư đã thông qua, được công khai tại sàn giao dịch bất động sản… Tôi nghĩ còn có nhiều trường hợp kiểu như sàn UDIC nữa.

Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường .

Theo ông, đã nên mua nhà đất vào thời điểm hiện nay?

Nếu người có nhu cầu bất động sản để ở, đủ năng lực tài chính thì đây là thời điểm nên mua. Hiện nay, có tâm lý đợi cho giá nhà đất giảm hơn nữa người ta mới mua, nhưng không ai có thể chắc chắn giá có xuống thấp nữa hay không? Mức trầm lắng này có thể kéo dài thêm một thời gian nữa nhưng không thể khẳng định là trong bao lâu.

Ông có thể nói rõ những yếu tố ảnh hưởng tới biến động của thị trường bất động sản Hà Nội thời gian tới?

Hiện nay, giới đầu tư rất nóng lòng muốn biết Quy hoạch chung Vùng thủ đô Hà Nội đến 2030 – tầm nhìn 2050 bao giờ được Thủ tướng phê duyệt? Chỉ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung này thì số phận của các dự án, các vùng dân cư mới được định đoạt.

Hơn nữa theo thông lệ, trước các kỳ họp lớn như kỳ họp Quốc hội, hầu như không phát sinh những chính sách gây xáo trộn mạnh một lĩnh vực nào cả. Đặc biệt, xu hướng biến động tới đây của thị trường bất động sản còn chịu ảnh hưởng từ kết quả bình ổn, kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Nếu chưa kiềm chế được lạm phát thì có nghĩa chính sách thắt chặt tín dụng đối với bất động sản vẫn có thể tiếp tục được đặt ra, thị trường do đó chưa thể sôi động trở lại ngay được

Không thể sụp đổ

Ông Nguyễn Hữu Cường nói: Nếu cho rằng thị trường bất động sản Hà Nội có thể sụp đổ, rồi thậm chí vỡ bung như mô tả đâu đó thì đó là ảo tưởng. Không thể có chuyện đó. Tôi chỉ nói thể này: Từ xưa tới nay, khi một gia đình, dòng họ, cá nhân nào đó thành đạt, đều có xu hướng di chuyển về kinh kỳ. Những người có khả năng kiếm tiền – cho dù phải đi năm châu bốn bể, nhưng khi đã có tiền, việc đầu tiên người ta nghĩ là sẽ phải tậu đất và nhà ở kinh kỳ.

Đặc thù của vùng thủ đô này là như vậy, nó khác hẳn với Tp.HCM hay các tỉnh thành phố lớn khác. Chỉ có điều khi hướng sản phẩm bất động sản cao cấp đến nhóm đối tượng có thu nhập cao, phải tính đến bức tranh chung, đến tỷ lệ người có khả năng tài chính xét trên mặt bằng chung cũng như nhu cầu ở mỗi phân khúc của thị trường. Đây là bài toán của các chủ đầu tư.

(Theo TPO)

Tin bán mới nhất:

Bình luận:

Chưa có bình luận nào.