Nghề môi giới BĐS – Cám dỗ và thách thứ

Tôi đã từng và chắc hẳn nhiều người cũng đã ít nhất 1 lần trong đời đứng giữa ngã ba đường lựa chọn nghề nghiệp và phân vân không biết con đường nào là nên đi, trong những con đường ấy, với nhiều người hẳn có một con đường mang tên “nghề môi giới bất động sản”.

Cám dỗ

Nhìn vào những người đi trước, những người đã và đang hành nghề môi giới bđs, có lẽ không ít người mong muốn mình cũng được như vậy. Hình ảnh một nhà môi giới chuyên nghiệp, phong cách rất năng động và lịch thiệp là một hình mẫu nghề nghiệp mà nhiều người luôn hướng tới. Làm môi giới BĐS cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ được rèn luyện trong những môi trường để trở nên hoàn hảo và toàn diện nhất, về mọi mặt từ chuyên môn cho đến các kỹ năng mềm, các mối quan hệ xã hội… Tuy nhiên, trên tất cả, có lẽ điều làm cho nghề môi giới bđs trở nên cám dỗ hơn cả đó là mức thu nhập, là một chuyên gia môi giới bđs tốt, bạn hoàn toàn có thể có mức thu nhập cao, thậm chí là rất cao so với mặt bằng chung của xã hội. Vì vậy, trước những sự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, rất nhiều người sẽ cân nhắc trở thành một nhà môi giới bđs.

moi gioi bds

 

Nghề môi giới BĐS là một trong những nghề có nhiều sức hấp dẫn

Cạm bẫy & thách thức

Nếu không có sự chuẩn bị và nhận thức thật tốt về cái mình đang làm, những người mới bước vào lĩnh vực bđs thường dễ rơi vào những cạm bẫy do chính mình tạo ra, để rồi từ đó có thể dẫn tới việc mất nghề, mất uy tín….rất đáng tiếc.

Thiếu kiến thức: Bất cứ lĩnh vực gì bạn làm cũng đòi hỏi bạn phải có kiến thức sâu rộng. Trong lĩnh vực bđs cũng vậy. Một nhà môi giới bđs cần hiểu rõ hơn ai hết các thủ tục hành chính, giấy phép, luật đất đai… ít nhất là trong phân khúc mình làm. Vì có thể mỗi nơi mỗi khác, ví dụ cùng là đất nền, đất thổ cư, nhưng thủ tục cấp phép xây dựng đất thổ cư có lẫn đất vườn ở Hà Nội sẽ rất khác so với thủ tục cấp phép xây dựng đất Văn Giang – Hưng Yên. Càng nắm vững và hiểu rõ luật pháp, thủ tục bao nhiêu thì bạn sẽ càng tạo được sự tin tưởng của khách hàng và giảm tối đa rủi ro trong hợp đồng mua bán nhà đất bấy nhiêu.

Tư duy chộp giật – ăn sổi: Làm nghề môi giới bđs đồng nghĩa với việc bạn thường xuyên tiếp xúc và làm việc với những hợp đồng có trị giá tới hàng tỉ, hàng chục tỉ…. đó là những khoản tiền rất lớn, mà cám dỗ là không hề nhỏ. Nhiều người làm môi giới có tư tưởng ăn sổi sẵn sàng vì lợi nhuận trước mắt mà bày ra trăm ngàn chiêu trò để hưởng lợi. Có thể nói, đây không phải là những nhà môi giới bđs, nếu bạn cũng có tư tưởng này thì chắc chắn một điều rằng bạn sẽ không thể trụ vững trong thị trường bđs vốn cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Điều đó giải thích tại sao, 40% môi giới bđs bỏ nghề trong năm 2012. Về vấn đề này, tôi có nói chi tiết trong bài “Nghề môi giới bđs – bạn cần chuẩn bị những gì”.

Áp lực: Môi giới là một nghề cực kỳ nhạy cảm, bạn như thể làm dâu trăm họ. Không chỉ là cầu nối giúp cho khách hàng tìm đến người bán, mà bạn còn là trung gian đứng ra giải quyết hàng tá những phát sinh trong quá trình thỏa thuận, hợp đồng, thực hiện giao dịch…. Giống như làm dâu trăm họ, làm sao để vừa hài lòng người mua, vừa thuận ý người bán, giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn, tranh chấp…luôn khiến cho người làm nghề môi giới bđs phải chịu rất nhiều áp lực.

Kết luận:

Làm môi giới bđs rõ ràng là một ngành nghề rất hấp dẫn, tuy nhiên để thực sự thành công thì mỗi nhà môi giới đều phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Không có con đường nào trải hoa hồng ngay từ đầu, vượt qua những cám dỗ và cạm bẫy trước mắt, làm việc với tâm và tài thực sự thì nhất định bạn sẽ trở thành nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp và xuất sắc.

Tin bán mới nhất:

Bình luận:

Chưa có bình luận nào.