Khám phá nét độc đáo nghệ thuật tạo tượng phật Quan Thế Âm – Chùa Mễ Sở

Chùa Mễ Sở hay còn được người dân gọi là chùa Mễ, tọa lạc ở thôn Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Là ngôi chùa cổ, lại nằm cạnh bờ sông Hồng, chịu ảnh hưởng của nhiều trận lụt lớn nên chùa được trùng tu nhiều lần.

Nằm ở một vùng quê trù phú cạnh sông Hồng, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chùa Mễ được xem là nơi còn lưu giữ được những giá trị của nền văn hóa Phật giáo thời Hậu Lê. Ngôi chùa này có hai báu vật quý là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và đại hồng chung.

Là ngôi chùa cổ, lại nằm cạnh bờ sông Hồng, chịu ảnh hưởng của nhiều trận lụt lớn nên chùa được trùng tu nhiều lần. Những nét kiến trúc còn lại chủ yếu mang phong cách xây dựng đền chùa vào cuối thế kỷ XIX. Giống như nhiều ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Mễ Sở cũng đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc Tông nguyên thủy với lối thờ cúng nhiều pho tượng Phật và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Theo thời gian, nhiều pho tượng Phật đã bị hư hỏng và thay mới.

Duy chỉ có bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát Thiên thủ Thiên nhãn này là còn giữ được nguyên vẹn. Đối với các ngôi chùa Phật giáo Bắc Tông nguyên thủy, ngoài những tượng Phật như A di đà, Đại thế chí,… thì tượng Phật Quan thế âm luôn được tôn thờ. Tuy nhiên, tượng Phật quan âm ở chùa Mễ Sở là bức tượng Quan thế âm có một không hai trong số những bức tượng Quan thế âm hiện còn ở nước ta. Theo quan niệm của Phật giáo Bắc Tông, Quan thế âm Bồ Tát sẽ lắng nghe những đau khổ của chúng sinh trong cuộc đời để cứu vớt. Quan thế âm Bồ Tát có thể hóa hiện thành muôn vạn nghìn hình khác nhau để thích ứng với mọi hoàn cảnh nhằm cứu độ mọi trường hợp khổ đau. Chính vì vậy, để thể hiện nên hình ảnh Quan thế âm nhìn được, cứu vớt được muôn loài thì người nghệ nhân đã tạo nên tượng Phật với đủ nghìn mắt, nghìn tay mà chúng ta thường gặp trong tín ngưỡng Phật giáo.

Cũng theo quan niệm của Phật giáo, thông điệp mà Bồ Tát Quan Thế Âm mang đến cho đời chính là chất liệu của tình thương, của lòng nhẫn nại và sự tỉnh thức tự nội để quay về với con người thật của chính mình. Pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở chùa Mễ Sở được tạo tác trong tư thế ngồi tọa thiền trên một tòa sen. Cả pho tượng có chiều cao 2,08m. Trong đó, tượng Phật từ bệ đến đỉnh đầu cao 140cm, bệ tượng cao 53cm, tòa sen 23cm. Pho tượng có khuôn mặt thanh thoát, thuần hậu. Tượng có hai đôi tay chính. Một đôi chắp trước ngực, mang ấn chuẩn đề. Đôi tay còn lại đưa lên phía trên đỡ các tòa sen và các tượng nhỏ. Được làm từ gỗ nhưng các nghệ nhân đã tạo được đôi tay lớn mềm mại, uyển chuyển. Ở vị trí trúng tâm, đôi tay lớn được chắp vào hai bên cạnh sườn với tư thế cao, thấp khác nhau.

Sự độc đáo của pho tượng là nghệ thuật tạo hình qua hệ thống hàng trăm cánh tay được xếp thành mười lớp với từng cặp tương xứng. Đi kèm với mỗi cánh tay là một con mắt được tạo tác một cách tinh vi trong lòng bàn tay. Với mười lớp tay và mắt này được chia thành 3 phần tạo cảm giác như có ánh hào quang từ đầu tượng, kết hợp với mũ hào quang chạm nổi hình đám mây và những ngón tay đan đều tạo cảm giác như những cánh chim trong tư thế bay xuống. Gọi là nghìn mắt, nghìn tay nhưng thực tế pho tượng có 1113 cánh tay đi kèm với 1113 con mắt. Có thể nói, pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát chùa Mễ Sở là một pho tượng gỗ rất tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mà cho đến nay chưa có pho tượng nào có giá trị nghệ thuật hoàn hảo có thể so sánh được.

Nền văn hóa Việt vốn đã chịu tác động không nhỏ của các luống văn hóa phụ cận mà trong đó có Phật giáo là một ví dụ. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu nhưng có sự sáng tạo mà trong đó phần lớn sự biến thể là do phong tục và tập quán của từng vùng miền ở mỗi nơi mà đặc điểm văn hóa đã có sự biến đổi. Điều muốn nói đến ở đây là hình ảnh của pho tượng Quan Thế Âm được thờ cúng ở các đền chùa đã có sự khác biệt với nhau. Phật giáo Bắc Tông vốn bắt nguồn từ Trung Quốc là nơi từ lâu trong quan hệ gia đình theo truyền thống phụ hệ. Do vậy không có gì lạ khi pho tượng ở chùa Mễ Sở mang dáng dấp của một người đàn ông. Khi hòa vào văn hóa Việt, càng vào phương Nam, từ sự tiếp thu có thay đổi để phù hợp với chế độ mẫu hệ nên từ đó người mẹ hiền hòa, đôn hậu được tạo nên trên những pho tượng thờ. Đối với các ngôi chùa cổ, các pho tượng đều được làm từ gỗ. Nếu như các pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương mang phong cách tả thực thì pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở chùa Mễ Sở lại thể hiện lối điêu khắc siêu thực, thể hiện trình độ điêu khắc cao cả về nội dung lẫn hình thức.

Ngày nay khi đến với Mễ Sở, du khách không chỉ cảm nhận được sự yên ả của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ mà còn tìm thấy những giá trị văn hóa in dấu một thời phồn thịnh của đất nước trên những ngôi đền, ngôi chùa nơi đây với hệ thống di tích Đền Chủ Đồng Tử – Tiên Dung, chùa Phú Thị,…

Những nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở chùa Mễ Sở đã cho chúng ta hiểu hơn về tinh thần sáng tạo nghệ thuật của những nghệ nhân dân gian xưa khiến cho pho tượng trở thành vốn quý trong nền nghệ thuật điêu khắc của nước ta. Với những nét độc đáo đó, chùa đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 6 tháng 11 năm 1988.

Tin bán mới nhất:

Bình luận:

Chưa có bình luận nào.